Từ một DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh nhưng chỉ trong 3 năm, Công ty Xăng dầu Tuyên Quang (Petrolimex Tuyên Quang) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Vị trí “tâm và thế” của người lao động, DN ngày một lớn mạnh trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Ông Đào Hồng Thắng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Tuyên Quang (Petrolimex Tuyên Quang)
CôngThương- Điều gì đã làm lên sự kỳ diệu này. Phóng viên Báo Công Thương đã có chuyến đi thực tế tìm hiểu câu chuyện này với hy vọng là điểm sáng để nhiều đơn vị suy ngẫm, noi theo.
Khó khăn chồng chất trước giờ G
Ông Đào Hồng Thắng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Tuyên Quang - nhớ lại: Trước khi tôi về đây (tháng 7/2010), cơ sở vật chất của công ty còn rất bề bộn, nghèo nàn, sập sệ. Ngay tại trụ sở công ty, xung quanh lau sậy mọc um tùm, có những hôm rắn còn bò ra nằm cuộn tròn ngoài sân, nhìn thấy mà ngao ngán.
Không chỉ cơ sở vật chất, mà “lòng người” cũng dao động. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp nên CBNV- công nhân chán nản. Số lao động có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi là 27 người, “vô địch” trong ngành. Tình hình đơn từ khiếu nại, tố cáo nhiều đến hàng chồng mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Hoạt động kinh doanh cũng không khá gì hơn. Sản lượng xăng dầu năm 2009, 2010 nếu chỉ tính con số thì khá cao: 60.000 m3, tấn/năm, nhưng thực chất một khối lượng lớn (15.000 m3) được bán cho 1 Tổng đại lý ở Phú Thọ. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Petrolimex Phú Thọ, vừa phản ảnh không đúng nhu cầu thực trên địa bàn Tuyên Quang. Một số mặt hàng khác của Petrolimex như: dầu nhờn, gas… kinh doanh kém hiệu quả, không thu hút được người tiêu dùng dù chất lượng rất tốt. Ngoài ra, do các cơ quan chức năng tại địa phương chưa hiểu rõ đặc thù kinh doanh xăng dầu nên 4 cửa hàng xăng dầu bị bắt “chặt” mái, đưa cây xăng vào trong trở thành những cửa hàng không đúng quy chuẩn, rất xấu, khó thu hút được khách hàng. Còn các huyện xa thành phố như: Na Hang, Lâm Bình không có cửa hàng xăng dầu nào; vùng nam Sơn Dương là vùng công nghiệp mía đường rất phát triển thì công ty cũng không có cây xăng.
Ông Thắng tâm sự: Lo lắng hơn cả là số nợ 25 tỷ đồng (tính đến năm 2010). Trong đó, riêng khách hàng ở Phú Thọ lấy xăng dầu của công ty đã nợ lên tới 15 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 3,2 tỷ nợ siêu xấu tồn đọng từ năm 1993- 1994.
Sức “nóng” lan tỏa
Đến nay, với khoảng thời gian không dài (3 năm), Petrolimex Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, thách thức, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh với mức nộp ngân sách lên đến 60 tỷ đồng, trong top đầu của tỉnh (chỉ sau Thủy điện Na Hang).
Petrolimex Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, thách thức, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh. Công ty có một cơ ngơi trụ sở khá khang trang, mạng lưới kinh doanh được mở rộng khắp, phục vụ người tiêu dùng ở cả những vùng sâu xa nhất bằng việc xây dựng Cửa hàng Xăng dầu tại thôn Ngòi Nẻ (huyện Na Hang); xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); thành lập Cửa hàng Xăng dầu Phúc Ứng (huyện Sơn Dương); Cửa hàng Xăng dầu Phú Lâm (huyện Yên Sơn).
Cửa hàng xăng dầu Xuân Hòa (Petrolimex Tuyên Quang)- mô hình cửa hàng tiên tiến
Các sản phẩm dầu mỡ nhờn, bột giặt Petrolimex kinh doanh tại các cửa hàng Petrolimex Tuyên Quang
Thời gian tới, công ty được sự ủng hộ của lãnh đạo Tuyên Quang và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thêm nhiều cửa hàng xăng dầu, ngày càng phục vụ tốt hơn các nhu cầu của Tuyên Quang.
Việc mở rộng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex Tuyên Quang đã được chính người tiêu dùng, cơ quản quản lý nhà nước thừa nhận, đánh giá cao. Theo ông Hoàng Quốc Bình, Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang, trao đổi với chúng tôi: Chúng tôi cũng rất mừng, vì từ thời gian ông Thắng làm giám đốc, Công ty như có một luồng gió mới thay đổi toàn diện và phát triển nhanh chóng, Tính đến thời điểm quy hoạch mạng lưới xăng dầu của tỉnh (22/9/2006), tỉnh có 34 cửa hàng xăng dầu, trong đó Petrolimex Tuyên Quang có 15 cửa hàng. Còn tính đến ngày 1/8/2013, toàn tỉnh Tuyên Quang có 56 cửa hàng xăng dầu; trong đó, Petrolimex Tuyên Quang có 28 cửa hàng (chiếm 50%) nhưng sản lượng của Petrolimex Tuyên Quang chiếm 80% tổng lượng xăng dầu bán ra thị trường.
Ông Hoàng Quốc Bình- Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang: Chúng tôi rất vui mừng trước thay đổi của Petrolimex Tuyên Quang
Đáng nói là trong khi việc phát triển cửa hàng xăng dầu trên địa bàn còn chậm với mục tiêu trong quy hoạch thì trong 3 năm (2010 – 2013) số lượng cửa hàng của Petrolimex Tuyên Quang tăng trường nhanh với 9 cửa hàng xăng dầu và 2 cửa hàng chuyên kinh doanh gas, dầu mỡ nhờn, một số cửa hàng được nâng cấp cải tạo đẹp hơn và hiện đại hơn. Đến hết năm, dự kiến 3 cửa hàng nữa sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho người tiêu dùng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; không còn huyện nào bị “trống” về xăng dầu.
Không chỉ mặt hàng xăng dầu, một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Petrolimex như gas, dầu mỡ nhờn, sơn, bảo hiểm... cũng được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng ngày càng nhiều, biểu đồ tăng trưởng các mặt hàng này gần như thẳng đứng, Ông Đào Hồng Thắng cho biết, sản lượng tiêu thụ gas của công ty năm 2010 mới đạt 8,9 tấn/tháng; đến năm 2011 đã lên đến 42 tấn. Năm nay, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gas tiêu thụ trên địa bàn đã đạt 53 tấn/tháng. Dầu mỡ nhờn, năm 2010 tiêu thụ 75 nghìn lon nhưng năm 2012 đã tiêu thụ 156 nghìn lon (tăng gấp hơn 2 lần).
Trực tiếp tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo, CNVC-NLĐ Petrolimex Tuyên Quang chúng tôi cảm nhận được một bầu không khí thân thiện, đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh doanh; tin tưởng vào lãnh đạo về một tương lai tươi sáng.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo Petrolimex và CBCNV công ty, đầu tầu của “cú lội ngược dòng” ngoạn mục này ở Petrolimex Tuyên Quang trong kinh doanh của DN không ai khác mà chính là ông Đào Hồng Thắng - một con người với đầy chất lính, nhiệt huyết và nụ cười thường trực trên môi. Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao công tác luân chuyển cán bộ thiết thực, hiệu quả của Lãnh đạo Petrolimex.
Con người cũ, tư duy mới
Có lẽ ai gặp ông Đào Hồng Thắng dù chỉ một lần cũng sẽ rất nhớ về ông - con người tươi cười, bình dị trong đời thường nhưng cũng rất quyết đoán, mạnh mẽ trong công việc. Trước khó khăn, ông không chùn bước, từng bước nghĩ cách làm mới để người lao động sung túc, doanh nghiệp sống “khỏe”.
Ông Thắng tâm tình với chúng tôi về những biện pháp để DN thành công. Việc làm đầu tiên của ông Thắng khi nhận trách nhiệm là liên hệ, tiếp xúc với lãnh đạo Tuyên Quang để thấu hiểu vị trí, vai trò của Công ty Xăng dầu Tuyên Quang tại địa phương. Từ đó lãnh đạo Tuyên Quang đã tạo điều kiện, ủng hộ sự phát triển của công ty cũng như mạng lưới bán hàng.
Giám đốc Đào Hồng Thắng: Tư duy mới, cách làm mới như hiện nay thì 10 năm nữa công ty cũng chưa lạc hậu
Về nhân sự, suy nghĩ của ông là không thể thay hoàn toàn con người cũ bằng những con người mới. Chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm của ông là:“Đổi mới ngay trên những cái đầu cũ”.
Trong quan điểm này, trước hết “dùng công việc để gây áp lực, thay đổi cách nghĩ của người lao động”. Tức là giao việc để gây áp lực cho mọi người phải làm việc, phải nỗ lực vươn lên. Cụ thể: Giao việc cho từng phòng ban, trước đó có sự thống nhất trong Đảng ủy, rồi biến thành Nghị quyết để tạo lập sự đồng thuận, rồi thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của công ty. Sau khi có Nghị quyết, họp giao ban chính quyền, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, công đoàn đồng loạt triển khai. Ông Thắng ví: “Toàn dân kháng chiến”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; vậy nên, ở doanh nghiệp thì mọi người đều có trách nhiệm làm việc, đều phải tập trung vào kinh doanh. Việc thống nhất phải đồng bộ, toàn diện bắt đầu từ ăn mặc đến giờ giấc, tác phong làm việc. Những ai vi phạm thì tự giác nộp phạt theo kiểu “nuôi lợn”(nghĩa là: bỏ vào con lợn đất để tiết kiệm cuối năm thêm tiền tổ chức liên hoan tất niên). Thực hiện “cơ chế” mới này, CBCNV đều tự giác, tự giám sát. Do đó, đến nay quy chế được thực hiện triệt để, tạo được nề nếp làm việc. Cái được lớn hơn là ở chỗ cái nề nếp, tác phong ấy.
Tại Petrolimex Tuyên Quang, trước đây, CBCNV thường thụ động trong công việc. Đơn cử như hệ thống công nghệ thông tin tại các cửa hàng được trang bị đầy đủ, khá hiện đại, được trang bị máy tính mới, thiết bị mới; thiết bị đo lường. Thế nhưng, phần lớn CBCNV chỉ sử dụng máy tính như máy chữ để soạn văn bản. Do đó, khi về làm giám đốc, ông Thắng đã tập huấn, buộc các cửa hàng trưởng phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh qua email. Theo đó, toàn bộ cửa hàng trưởng được đào tạo sử dụng vi tính, cho thực hành 1 tháng, tháng thứ 2 cho tiếp cận làm số liệu, tháng thứ 3 buộc phải báo cáo, tháng thứ 4 phải hoàn thiện. Nếu cửa hàng trưởng nào không thực hiện được sẽ bị thay thế. Trước “liệu pháp” này, các cửa hàng trưởng ngày đêm phải học hỏi, đến nay mọi người đã sử dụng thành thạo các công cụ này trong công việc.
Khai thác thế mạnh “toàn dân”
Một phương pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà anh Thắng áp dụng đó là hình thức khoán sản phẩm. Chủ trương của công ty là khoán tới từng cửa hàng, cửa hàng trưởng khoán tới từng cá nhân. Bộ phận hành chính có nhiệm vụ tổng hợp, cứ 10 ngày báo cáo một lần qua email tiến độ thực hiện và so sánh với kế hoạch, công bố lên “phòng dân chủ”, tức là phòng thông tin chung về tiến độ thực hiện khoán. Từ đó, biết người nào thực hiện được hay không và cuối tháng thì tổng kết đánh giá. Ví dụ: mỗi người trong một tháng giao thực hiện bán tối thiểu 26m3, 20 bình gas/người, 98 lon dầu và 800 ngàn đồng tiền bán bảo hiểm. Tính tổng sản lượng theo quý, nếu thực hiện đạt 90% trở lên xếp loại A; 70 đến 90% xếp loại B; dưới 60% loại C.
Cửa hàng xăng dầu Kỳ Lâm được cải tạo khang trang, rộng rãi hơn
Theo cơ chế đó, nếu ai đạt trên loại A thì thưởng 5 triệu đồng/người và đạt vòng nguyệt quế ngay tại giao ban hàng quý. Đạt thấp (loại C) 3 tháng liên tiếp sẽ bị cảnh báo, 6 tháng không đạt, không được ký tiếp hợp đồng.
Nhiều đơn vị trong ngành cũng thường áp dụng cơ chế khoán, nhưng thường phụ thuộc vào một nhóm người làm kinh doanh dầu mỡ nhờn. Nhưng tại Petrolimex Tuyên Quang, công ty giao khoán cho cửa hàng thì cửa hàng lại giao khoán cho từng người. Đây gọi là “thế trận nhân dân”. Điều đặc biệt tạo nên thành công là công ty không “khoán trắng”. Ban lãnh đạo công ty cùng các phòng ban nghiệp vụ luôn quan tâm sát sao, có sự hỗ trợ, tư vấn đến từng người, từng cửa hàng để hoàn thành mức khoán. Mỗi CBCNV-LĐ là một nhân viên marketing, một tuyên truyền viên, nhân viên tiếp thị; có người huy động cả nhà tham gia bán hàng. Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng tham gia bán hàng. Tiền để hoạt động phong trào cũng từ đó mà ra, không phải xin chính quyền. Phương pháp này khai thác được hết thế mạnh của “toàn dân”, phát triển thị trường rất bền vững vì tạo ra tư duy mới cho CBNV- người lao động đều tham gia kinh doanh.
Ông Thắng nói: Hiện tại, nếu cửa hàng nào bán được từ 70 bình gas/tháng - tôi sẽ trang bị xe máy. Cơ chế hoa hồng cũng rất thoáng. Các công ty chuyên ngành của Petrolimex giao thù lao cho Petrolimex Tuyên Quang bao nhiêu thì công ty chỉ giữ lại một ít chi phí quản lý, còn giao cho CBCNV-NLĐ tương tự như thù lao giao cho đại lý, tổng đại lý. Nếu làm được nhiều thì lương và thu nhập càng cao, công ty cũng có lợi là đẩy mạnh được hàng hóa, dịch vụ Petrolimex - hàng Việt Nam đến với Người Việt Nam.
Sau một thời gian ngắn thực hiện, kết quả rất đáng khích lệ. Năng suất lao động bình quân của Petrolimex Tuyên Quang cao hơn năng suất lao động bình quân của toàn tập đoàn. Một số cửa hàng kinh doanh gas, dầu nhờn doanh số bán hàng tăng vọt. Tại Cửa hàng Vật tư Tổng hợp Xuân Hòa, chị Lại Thị Thanh Thủy - Cửa hàng trưởng - vui mừng: “Dù thành phố có khoảng 270 cơ sở kinh doanh gas nhưng sản lượng gas bán ra 3 năm gần của công ty liên tục tăng mạnh. Mỗi tháng cửa hàng bán ra khoảng 900 bình gas. Doanh thu từ gas và hàng hóa vật tư khác khoảng 1 tỷ đồng. Đời sống CBCNV cửa hàng đã thực sự đổi thay… Chúng tôi từ “con nuôi” nay đã trở thành “con đẻ”, được coi trọng như các cửa hàng khác”.
Những cách làm trên như một luồng gió mới thực sự thay đổi được tư duy của con người, giúp cho mọi người gắn kết hơn, cùng nhau thi đua lao động, tạo nên sức mạnh tổng lực của toàn DN một cách bền vững. “Với tư duy mới, cách làm mới như hiện nay thì 10 năm nữa kinh doanh của công ty cũng chưa lạc hậu”- ông Thắng nói.
Ông Đào Hồng Thắng: “Tôi là một người lính đi qua 2 cuộc chiến tranh, may mắn khi vào đại học được học về dự toán nông, lâm, nghiệp từ đó có tư duy về quản lý kinh tế; “dân” làm kế toán nhưng tôi đam mê với kinh doanh. Từ thời bao cấp, tôi đã rất tâm đắc là làm cái gì thì làm nhưng phải hiệu quả. Khi làm người đứng đầu tôi cho rằng, tất cả sức mạnh của doanh nghiệp chính là ở thế trận lòng dân”. |